Chi tiết tin

Tạo "rào chắn" cho vành đai sâm Ngọc Linh

Người đăng: Ngày đăng: 14:05 | 17/08 Lượt xem: 915

Tạo "rào chắn" cho vành đai sâm Ngọc Linh

Sự tác động mạnh mẽ từ nhiều phía khiến sâm Ngọc Linh ngày càng đứng trước những nguy cơ rủi ro về chất lượng sâm giống, sâm củ cũng như dịch bệnh cây sâm và an ninh trật tự tại vùng sâm. Vì thế, xây dựng một “rào chắn”, tạo nên vành đai an toàn cho vùng sâm Ngọc Linh, vừa là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa những rủi ro, vừa giữ được thương hiệu “Quốc bảo của Việt Nam”.

Một cây sâm giống mang bệnh, trên lá cây xuất hiện nhiều đốm vàng đang được cách ly tại một chốt sâm ở xã Trà Linh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một cây sâm giống mang bệnh, trên lá cây xuất hiện nhiều đốm vàng đang được cách ly tại một chốt sâm ở xã Trà Linh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

CHỮA BỆNH CHO SÂM

Lo lắng trước tình trạng dịch bệnh ở sâm giống đang ngày trở nên phức tạp và có xu hướng lan rộng, chính quyền và người trồng sâm ở Nam Trà My đang nỗ lực tìm cách ngăn ngừa giúp “thủ phủ sâm Ngọc Linh” được an toàn.

Nhận diện nguyên nhân

Dù không phải là câu chuyện mới mẻ, nhưng sau một thời gian ngắn, hàng loạt cây sâm giống Ngọc Linh liên tục bị dịch bệnh và lan rộng khiến các hộ trồng sâm ở huyện Nam Trà My lo lắng. Bởi theo họ, việc chữa bệnh cho cây sâm giống không hề dễ dàng chút nào.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng sâm, ông Nguyễn Văn Lượng (ở thôn 2, xã Trà Linh) cho biết, quá trình mắc bệnh của cây sâm thường kéo dài trong khoảng vài tháng. Trước khi chết, trên lá sâm xuất hiện những đốm vàng, kèm nhũn thân, thối củ. Những cây sâm bị bệnh thường được trồng cách ly tại vị trí phù hợp nhằm tránh lây lan. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng cây sâm mắc bệnh càng nhiều khiến việc “điều trị” trở nên khá lúng túng. Vì thế, ông Lượng nói, để ngăn ngừa tình trạng lây lan mầm bệnh ở cây sâm giống, ngoài xử lý nhổ bỏ cây bị bệnh, cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học nhằm hạn chế mức thấp nhất việc cây sâm nhiễm bệnh đồng loạt, gây ảnh hưởng đến kinh tế của người trồng sâm.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, đánh giá từ cơ quan chuyên môn, trên cây sâm Ngọc Linh đang xảy ra dịch bệnh rỉ sắt và lở cổ rễ, trong đó bệnh lở cổ rễ là nguy hại nhất, chủ yếu xuất hiện và gây bệnh ở cây con trong vườn ươm. Thời gian qua, bệnh này đã làm chết hàng loạt cây con giống tại một số vườn ươm ở các thôn 3 (xã Trà Cang) và thôn 2, thôn 3 (xã Trà Linh), gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của đồng bào Xê Đăng. Theo các nhà khoa học, tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất do môi trường biến đổi, kỹ thuật canh tác của các hộ trồng sâm chưa hợp lý. Hiện loại bệnh này vẫn chưa có biện pháp phòng trừ mang tính đặc hiệu, việc dùng thuốc hóa học chưa được các cơ quan chức năng cho phép vì lo ngại đến môi trường tự nhiên, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng của sâm Ngọc Linh. “Các ngành chuyên môn của huyện đã tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, dùng một số chế phẩm để tăng cường sức đề kháng cho cây sâm, xử lý mầm bệnh trong đất vườn ươm và đất trồng nhằm tránh để mầm bệnh lây lan sang các vị trí khác” - ông Bửu cho biết thêm.

Tìm cách ngăn ngừa

Lâu nay, đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My chủ yếu nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng cách ươm cây tạo giống, sau vụ mùa thu hái hạt giống. Cách làm này tuy đem lại hiệu quả cao trong việc tạo giống sâm thuần chủng, nhưng ít nhiều đã có sự ảnh hưởng về chất lượng sâm giống, cũng như quá trình sinh trưởng của cây sâm.

Theo TS.Nguyễn Thị Kim Cúc - Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế), sự thay đổi quá lớn về cơ sở hạ tầng ở vùng đệm đã ảnh hưởng đến môi trường tiểu khí hậu xung quanh vườn sâm, gây tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm. Hậu quả từ sự tác động này là một trong những nguyên nhân khiến cây sâm giống Ngọc Linh bị dịch bệnh - một kiểu “phản ứng” tự nhiên của loài động thực vật đối với môi trường sống. Do vậy, để ngăn ngừa tình trạng sâm giống Ngọc Linh bị dịch bệnh, bên cạnh giữ khoảng cách an toàn về môi trường ở vùng đệm, cần đưa các chế phẩm sinh học để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Việc phát triển du lịch đến vườn sâm cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm thay đổi môi trường tự nhiên và cảnh quan vùng trồng sâm. “Trước khi thực hiện đề án phát triển du lịch vùng sâm cần tham khảo cách làm hay, mô hình hiệu quả từ các quốc gia trên thế giới, nhằm vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời cũng bảo tồn được vùng đệm, giữ vững hệ sinh thái vùng sâm” - bà Cúc nói.

Nhiều nhà khoa học cũng đã “hiến kế” các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh trên cây sâm Ngọc Linh, đồng thời đưa ra cách xử lý đối với cây sâm mắc bệnh. Theo đó, ngoài đảm bảo độ cách ly giữa các vùng trồng sâm nhằm cắt được nguồn bệnh phát sinh, các chuyên gia đề xuất cần tập trung nghiên cứu về kỹ thuật canh tác trồng sâm một cách hợp lý, hạn chế đưa vào vùng sâm những vật liệu lạ, mang mầm bệnh nguy hại đến giống sâm. Ngoài ra, không nên sử dụng hóa chất để điều trị cho sâm, mà phải nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ nhằm hạn chế phát triển mầm bệnh, đồng thời kích thích tăng trưởng và đảm bảo an toàn chất lượng cây sâm Ngọc Linh.

NGĂN GIỐNG NGOẠI LAI

Xác định nguồn giống có vai trò quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh, cùng với chủ động phòng ngừa dịch bệnh, việc ngăn chặn giống sâm ngoại lai không đảm bảo nguồn gốc là vấn đề hết sức cần thiết, góp phần bảo tồn nguồn gen quý.

Du khách lựa chọn tìm mua sâm Ngọc Linh ở phiên chợ sâm hàng tháng được tổ chức tại Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Du khách lựa chọn tìm mua sâm Ngọc Linh ở phiên chợ sâm hàng tháng được tổ chức tại Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Quản lý cách nào?

Những năm qua, dù chưa đến mức độ báo động nhưng tình trạng người dân và doanh nghiệp tham gia trồng hạt để tạo giống sâm con không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Vì thế, việc quản lý chặt chẽ giống sâm cũng là một trong những vấn đề hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn hiện tượng giống sâm ngoại lai có cơ hội tồn tại ở “thủ phủ sâm Ngọc Linh”.

Theo ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng xấu mang các loại hạt giống giả sâm vào trồng, chính quyền địa phương còn nghiêm cấm trồng, buôn bán các loại cây giả sâm Ngọc Linh. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra các chốt trồng sâm tại 7 xã để kiểm định, kịp thời ngăn ngừa và loại trừ các loại giống giả sâm Ngọc Linh ra khỏi vùng trồng sâm của huyện, tiến đến truy xuất nguồn gốc và gắn nhãn mác cho sâm Ngọc Linh. “Để quản lý tốt chất lượng sâm giống, chúng tôi cũng đã khảo sát tại các chốt trồng sâm Ngọc Linh, lựa chọn những hộ có đủ nguồn cây giống sâm đảm bảo chất lượng để hỗ trợ cơ sở vật chất, hình thành nên các vườn sản xuất giống sâm, xem đây là địa chỉ đáng tin cậy trong việc sản xuất và cung ứng giống cho người dân, doanh nghiệp phát triển vùng sâm trong thời gian đến” - ông Hưng nói.

Ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho rằng, trước nhu cầu phát triển của cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn Nam Trà My, việc đáp ứng về cây giống theo quy hoạch phát triển hiện vẫn chưa đảm bảo, dẫn đến việc kiểm soát chất lượng nguồn giống thiếu chặt chẽ, tạo cơ hội cho giống sâm ngoại lai có “đất sống”. Để loại trừ được giống sâm ngoại lai không đạt chất lượng ra khỏi vùng sâm Ngọc Linh, cùng với việc thiết lập cơ sở đủ năng lực trong việc tạo ra sâm giống chuẩn, cần xây dựng tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với khung pháp lý để điều chỉnh và hỗ trợ tốt hơn công tác quản lý nguồn giống theo đề án của tỉnh. Việc ngăn ngừa và kiểm soát được dịch bệnh trên cây sâm cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tạo ra nguồn giống sâm đảm bảo chất lượng để cung ứng ra thị trường.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho hay, địa phương đã xây dựng các phương án hỗ trợ và tăng cường quản lý về nguồn gốc giống sâm, kiên quyết ngăn chặn tình trạng giống sâm ngoại lai, sâm không rõ nguồn gốc tràn vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế phù hợp nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn, nhất là không thể truy xuất nguồn gốc giống sâm tại các chốt trồng của doanh nghiệp. “Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu người dân và doanh nghiệp ký cam kết không tiếp tay cho các đối tượng xấu mang giống giả sâm Ngọc Linh vào trồng, cũng như không tự ý mua bán và trồng các loại giống sâm không rõ nguồn gốc ở vùng đặc hữu sâm Ngọc Linh” - ông Thể nhấn mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh - Hồ Vũ Tuấn cũng cho rằng, do lợi nhuận cao từ cây sâm Ngọc Linh, việc các đối tượng xấu hình thành đường dây buôn bán giống sâm ngoại lai không rõ nguồn gốc cho người dân vùng trồng sâm là có thể dự lường được. Vì thế, bên cạnh phối hợp kiểm soát trực tiếp của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã ký cam kết với đại diện các chốt trồng sâm với các nội dung liên quan không mua bán, tiêu thụ và trồng giống sâm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định về chất lượng cây giống, hạt giống. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý bằng cách trục xuất khỏi địa phương. “Chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ trồng sâm không nên tùy tiện trồng giống sâm chưa rõ nguồn gốc, tránh tình trạng giống sâm đó không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của cây sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My” - ông Tuấn nói.

KIỂM SOÁT AN NINH VÙNG SÂM

Từ những khó khăn trong việc xử lý các đối tượng trộm cắp, buôn bán sâm Ngọc Linh giả cho đến hành vi vi phạm pháp luật được tiến hành xử lý khá “nhẹ tay” theo luật tục của làng người vùng cao… khiến nhiều người lo ngại, tình hình an ninh trật tự vùng sâm Ngọc Linh sẽ phức tạp, dẫn đến khó kiểm soát.

Đồng bào Xê Đăng mang sâm bán tại hội chợ, thu về lợi nhuận kinh tế “khủng”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Xê Đăng mang sâm bán tại hội chợ, thu về lợi nhuận kinh tế “khủng”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Báo động trộm cắp sâm

Trung tá Đinh Việt Trung - Trưởng Công an huyện Nam Trà My cho rằng, giá trị kinh tế quá cao của sâm Ngọc Linh khiến địa phương trở thành vùng đất “màu mỡ” cho các đối tượng xấu. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã khởi tố 6 vụ trộm cắp sâm Ngọc Linh. Các điểm thường hay xảy ra trộm cắp là chốt trồng sâm của các gia đình, do không có người bảo vệ chặt chẽ. Tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả cũng đã được phát hiện, xử lý. “Tuy nhiên, hành vi mua bán sâm Ngọc Linh giả hiện nay không thể xử lý hình sự được, vì sản phẩm sâm Ngọc Linh chưa được công nhận là một sản phẩm có nguồn gốc cụ thể, do vậy chỉ có thể xử lý họ theo hướng phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ” - ông Trung cho biết thêm.

Không chỉ báo động về tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh, tại các vùng trồng sâm còn xuất hiện tình trạng chồng lấn đất giữa các địa phương, giữa các hộ trồng sâm. Ngoài ra, việc khó khăn trong tiếp cận các chốt trồng sâm cũng gây nên những trở ngại lớn khiến công tác quản lý, kiểm soát vùng sâm đầy thách thức.

Xử lý theo…luật tục làng

Cây sâm Ngọc Linh góp phần rất lớn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thời gian qua. Đây được xem là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, góp phần vào quá trình nâng cao chất lượng đời sống đồng bào Nam Trà My. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển là hệ lụy mà chính những người Xê Đăng cũng bày tỏ lo ngại khi chứng kiến một số thanh thiếu niên ở vùng trồng sâm có lối sống ăn chơi, đua đòi, thậm chí tham gia cờ bạc, sử dụng các chất ma túy, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự trên địa bàn. Chưa kể, để có tiền phục vụ ăn chơi, các đối tượng đã tìm cách ăn trộm sâm bán ra thị trường. “Cá biệt, một số đối tượng là con cháu của các hộ trồng sâm lại đi ăn trộm sâm của chính gia đình mình. Nhưng theo luật tục của người dân miền núi, các hộ này tự xử phạt những hành vi trộm cắp đó mà không báo cho cơ quan chức năng. Việc xử lý trong gia đình, làng nóc không đủ sức răn đe nên nguy cơ tái phạm cao” - Trung tá Đinh Việt Trung nói.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng cho rằng, việc xử lý các đối tượng trộm cắp chỉ diễn ra trong nội bộ làng nóc một cách khá… nhẹ tay sẽ dẫn đến nguy cơ lớn hơn, là có thể gây mất đoàn kết dân làng. “Tôi đã từng trực tiếp điện thoại báo tin cho Phó trưởng Công an huyện sau khi nghe thông tin về trường hợp đối tượng trộm sâm nhưng chỉ xử lý nội bộ theo tập quán của làng. Trộm sâm nhiều như thế, sao có thể xí xóa, phải xử lý hình sự để răn đe, làm gương” - ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hưng, tại các vùng sâm xuất hiện thêm thông tin có một số đơn vị doanh nghệp, người dân xâm hại đến rừng già, tự ý chặt gỗ rừng để dựng trạm, dựng nhà, làm các công trình vệ sinh. Quan điểm của huyện, nếu phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm, nhằm vừa phát triển được kinh tế từ sâm nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được cánh rừng tự nhiên lâu đời.

CHÚ TRỌNG TUYÊN TRUYỀN

Không ai khác, việc phòng ngừa dịch bệnh trên cây sâm, bảo tồn củ sâm chất lượng, cũng như ngăn chăn tình trạng đưa sâm giống ngoại lai vào trồng xen kẽ với sâm Ngọc Linh phải do cộng đồng người trồng sâm Nam Trà My thực hiện. Muốn làm điều đó, trước hết phải tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân thấy rõ trách nhiệm của mình với giá trị của cây sâm, chung tay giữ vững thương hiệu “Quốc bảo” Việt Nam.

“Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu
Giá trị của sâm Ngọc Linh không chỉ ở quy mô địa phương mà đã lan tỏa cả nước và thế giới. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cán bộ lãnh đạo chủ chốt địa phương, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cho đến các nhà nghiên cứu khoa học và người trồng sâm trong việc bảo tồn, phát triển và quản lý, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc phòng ngừa nạn trộm cắp sâm; giữ vững an ninh trật tự; không tiếp tay cho các đối tượng xấu đưa giống sâm ngoại lai vào vườn trồng sâm; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giữ thương hiệu cây sâm, cũng như góp phần đẩy lùi nạn giả sâm Ngọc Linh trên thị trường. Tôi nhắc lại ý kiến của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh để thấy rằng đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần cần phải kiên quyết xử lý nghiêm, trong trường hợp cần thiết có thể trục xuất khỏi địa bàn, không cho tiếp tục tham gia trồng sâm, nhưng phải đảm bảo theo quy định của pháp luật”.(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng)

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nam Trà My, các đơn vị, doanh nghiệp, chủ vườn sâm, chốt sâm về công tác bảo tồn, phát triển và quản lý, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh. Nhắc lại bài học nhãn tiền về cây quế Trà My, Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh bày tỏ mong muốn chính quyền và người dân Nam Trà My phải dự lường trước những rủi ro, thách thức và cả những trở ngại, nhất là tình trạng sâm giả, dịch bệnh cây sâm, an ninh vùng sâm... Do vậy, cùng với xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển mang tính bền vững gắn với kế sách phù hợp, Nam Trà My cần quản lý chặt chẽ công tác mua bán, kiểm định chất lượng cây sâm tại các phiên chợ sâm hàng tháng, không để các mặt hàng kém chất lượng trà trộn, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, cũng như chất lượng của sâm Ngọc Linh.

Để làm tốt công tác bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh, bên cạnh chủ động hợp tác với các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và quốc tế trong việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng tầm các vườn sâm lớn của Nhà nước, cần xây dựng khu vực sản xuất hạt giống, cây sâm con đạt chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu chất lượng giống sâm hiện nay. Đồng thời huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tạo ra các giống sâm vô tính và hữu tính, phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh quý hiếm. Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh cho rằng: “Phải quản lý tốt việc khai thác mùn để trồng sâm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chế phẩm trong trồng sâm và chăm sóc sâm; tìm hướng xử lý dứt điểm các dịch bệnh trên cây sâm, đảm bảo quá trình sinh trưởng tốt nhất, giúp nâng cao chất lượng củ sâm Ngọc Linh. Các hộ dân ở Nam Trà My cần được tạo điều kiện tham gia các chương trình phát triển sâm theo Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh, giúp họ trở thành những hạt nhân tại các mô hình, góp phần làm tốt công tác trồng và phát triển sâm Ngọc Linh. Phải quản lý kinh doanh hạt giống, cây giống thật tốt, nhằm nâng cao chất lượng hạt giống, cây giống, đáp ứng với nhu cầu thị trường, đồng thời tương xứng với giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh hiện nay”.

Tác giả: ALĂNG NGƯỚC

Nguồn tin: http://baoquangnam.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo mới

Tên Video
* Nam Trà My quê tôi

Liên kết web

ngân hàng đề kiểm tra

Bản quyền thuộc Trường PTDTBT THCS Trà Leng
Địa chỉ: Thôn 3 xã Trà Leng huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0987.334.083 - 0981.087.778
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)