Chi tiết tin

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11 Trường học là "ngôi nhà" thứ hai của thầy cô giáo

Người đăng: Ngày đăng: 14:34 | 21/11 Lượt xem: 1107

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11 Trường học là "ngôi nhà" thứ hai của thầy cô giáo

Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc với phóng viên Báo Quảng Nam về nghề dạy học trong không khí toàn xã hội hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Nhận xét về đội ngũ nhà giáo xứ Quảng, người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh nói:

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc vinh danh các nhà giáo đạt thành tích xuất sắc tại lễ tuyên dương, khen thưởng năm học 2018 - 2019. Ảnh: X.P
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc vinh danh các nhà giáo đạt thành tích xuất sắc tại lễ tuyên dương, khen thưởng năm học 2018 - 2019. Ảnh: X.P

Cả tỉnh hiện có hơn 27.000 nhà giáo và gần 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn không chỉ dừng lại ở trình độ đào tạo mà còn phải được đánh giá thông qua chất lượng dạy và học, tình yêu nghề. Chất lượng giáo dục của tỉnh những năm gần đây như tỷ lệ học sinh (HS) khá giỏi, hay qua kết quả các kỳ thi HS giỏi các cấp cho thấy chất lượng đội ngũ khá tốt. Bằng cái tâm của người thầy đã mang lại cho học trò niềm hạnh phúc “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

* Nhân nói đến cái tâm của người thầy, thời gian qua ngành cũng đã có các giải pháp chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Là người thầy từng đứng trên bục giảng, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng giáo viên trẻ hiện nay chưa thật sự tâm huyết với nghề, tận tụy với học trò?

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Nói thế thì hơi quá vì nghề nào, ngành nào cũng có vài người vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tôi thấy nhà giáo trẻ hiện nay rất giỏi. Còn yêu nghề hay không, không phải là do thầy cô giáo đó. Vấn đề là họ được sống trong môi trường sư phạm như thế nào. Vai trò của người quản lý rất quan trọng, nếu đến với đồng nghiệp trẻ bằng cái tâm, tạo điều kiện cho họ thể hiện thì chắc chắn sẽ phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nói trẻ không nhiệt tình, yêu nghề thì giáo dục Quảng Nam ai lên núi giảng dạy? Toàn số giáo viên trẻ lên núi chứ ai. Theo tôi, đừng nhìn vào góc khuất nho nhỏ của một vài cá nhân để nhận định chung là không công bằng.

Theo tôi, không có học trò cá biệt, học trò kém. Tất cả do người thầy, bởi họ còn là nhà tâm lý, nên phải biết gợi mở giúp cho các em phát triển.

* Ông có cho rằng ngày nay nghề giáo chịu quá nhiều áp lực, từ công việc đến xã hội, rồi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” do thu nhập thấp?

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Rõ ràng giáo dục bây giờ chịu rất nhiều áp lực. Áp lực cho bản thân khi chọn nghề này là thu nhập thấp. Áp lực từ phía xã hội, phụ huynh, mong muốn con em giỏi nên đòi hỏi người thầy rất cao. Rồi áp lực từ khối lượng công việc, làm sao để học trò phát triển toàn diện chứ không phải lên lớp dạy vài tiết rồi về. Dạy học bây giờ không phải là “dạy cái gì”, mà là “dạy như thế nào”. Người thầy không chỉ đọc kiến thức cho HS ghi chép mà tổ chức cho các em tiếp cận kiến thức, định hướng làm chủ kiến thức và cách vận dụng.

* Xã hội ngày nay cũng có cái nhìn khắt khe với nghề giáo. Bác sĩ khám chữa bệnh ngoài giờ hay cán bộ, công chức, viên chức làm thêm ngoài giờ không ai nói gì nhưng nhà giáo dạy thêm thì nhìn với ánh mắt khác. Ông nghĩ sao?

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Đó là nghịch lý! Thi cử thế này, con em nếu không học thêm thì làm sao đỗ đại học? Yêu cầu của đề thi rất cao, dung lượng dạy học ở trường phổ thông nếu không được bổ sung thêm thì không đủ sức để giải. Học thêm là nhu cầu của HS, phụ huynh. Tất nhiên, vẫn có tình trạng một bộ phận thầy cô giáo chưa đủ năng lực, chưa hoàn thành nhiệm vụ ở trường nhưng ép buộc HS học thêm và đó là điều đáng phê phán.

Nghề dạy học thời nào cũng có điểm giống nhau và được xã hội kính trọng. Phụ huynh, xã hội cũng công bằng với những người thầy có cái tâm, yêu thương học trò. Vẫn còn đó nhiều người thầy tận hiến, khi đã nghỉ hưu, sẵn sàng dạy phụ đạo miễn phí cho học trò nghèo.

* Vậy phải chăng đó là nguyên nhân khiến cho nghề giáo bây giờ không thu hút được HS giỏi, và tình trạng “chuột chạy cùng sào…” khiến chất lượng đội ngũ không cao?

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Ngoài cái nghề, còn có sự mưu sinh. Mà đồng lương thấp, áp lực nhiều thì lẽ dĩ nhiên ít em chọn. Có mấy con cái nhà giáo đi theo nghề cha mẹ đâu và cần tôn trọng sự lựa chọn đó. Tại sao một số ngành nghề HS giỏi đăng ký thi vào rất nhiều? Nếu như điều chỉnh chế độ lương bổng cao hơn sẽ thu hút được nhiều nhà giáo giỏi.

* Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, ông có điều gì nhắn nhủ với đồng nghiệp của mình?

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Tôi mong muốn tất cả nhà giáo xứ Quảng giữ được niềm tin, bởi xã hội vẫn mãi tôn trọng và tôn vinh người thầy cũng như nghề dạy học. Điều này không phải dễ, nhưng cũng không phải khó. Nếu thật sự có tâm, người thầy phải coi trường học như “ngôi nhà” thứ hai của mình, yêu thương học trò như con em của mình và biến ngôi trường thành “trường học hạnh phúc” để học trò mỗi ngày đến trường đều cảm thấy vui vẻ, thỏa mái.

Xin cám ơn ông!


Tác giả: XUÂN PHÚ (thực hiện)

Nguồn tin: http://baoquangnam.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo mới

Tên Video
* Nam Trà My quê tôi

Liên kết web

ngân hàng đề kiểm tra

Bản quyền thuộc Trường PTDTBT THCS Trà Leng
Địa chỉ: Thôn 3 xã Trà Leng huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0987.334.083 - 0981.087.778
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)