Chi tiết tin

Sắp xếp trường lớp, đội ngũ học sinh, giáo viên: Xử lý độ "vênh" giữa quy định và thực tế

Người đăng: Ngày đăng: 8:24 | 16/04 Lượt xem: 995

Sắp xếp trường lớp, đội ngũ học sinh, giáo viên: Xử lý độ "vênh" giữa quy định và thực tế

Bên cạnh việc thiếu giáo viên (GV), một trong những lý do khiến cho các địa phương gặp khó khăn khi sắp xếp trường lớp, đội ngũ là do có độ “vênh” giữa quy định và thực tế.
Theo các địa phương, bậc học mầm non phải bố trí 2,2 giáo viên/lớp mới đảm bảo giảng dạy, chăm sóc. Ảnh: X.P
Theo các địa phương, bậc học mầm non phải bố trí 2,2 giáo viên/lớp mới đảm bảo giảng dạy, chăm sóc. Ảnh: X.P

Có tối đa, không có tối thiểu

Điều lệ trường học do Bộ GD-ĐT ban hành quy định, số lượng học sinh (HS)/lớp bậc tiểu học không quá 35 em, THCS và THPT không quá 45 em. Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả trường học đều thực hiện được như vậy. Trừ các khu vực thành thị, đồng bằng, vùng thuận lợi, còn lại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thực hiện đúng quy định trên gần như không thể.

Nguyên nhân là vì số lượng HS ít, đi lại xa xôi, nên có lớp chấp nhận ít HS. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp trường lớp, đội ngũ, giữa các huyện (đơn vị xây dựng đề án) và Sở Nội vụ (cơ quan thẩm định) chưa có sự thống nhất về sĩ số HS/lớp và GV/lớp.

Tại buổi làm việc với tỉnh hồi cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị phải hết sức thận trọng và cân nhắc khi thực hiện sắp xếp trường lớp, đội ngũ. Có thể tinh giản đối với cán bộ quản lý, nhân viên nhưng với GV phải bố trí đủ theo quy định. Cũng theo Bộ trưởng, tỷ lệ GV/lớp là do Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT bàn rất kỹ chứ không phải riêng Bộ GD-ĐT quy định. Vì vậy, nếu bố trí GV không theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong số 10 địa phương cấp huyện được Sở Nội vụ đề nghị điều chỉnh tăng số HS/lớp để giảm số lớp thì có đến 8 đơn vị không đồng ý. Đồng thời tất cả đề nghị vẫn giữ tỷ lệ 2,2 GV/lớp mầm non thay vì 2 GV/lớp như đề nghị của Sở Nội vụ.

Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, 102 trường tiểu học của các huyện miền núi có thêm 252 điểm trường lẻ. Chưa kể, tình trạng lớp ghép hiện nay khá phổ biến ở vùng sâu, vùng xa với tổng cộng 169 lớp.

Ngay cả huyện Đại Lộc vẫn phải tổ chức lớp ghép, mà theo giải thích của UBND huyện, điểm trường Đầu Gò (xã Đại Sơn) chỉ có 11 HS đủ các độ tuổi tiểu học nhưng cách trường chính 4km, phải qua 2 lần đò cách trở, nên buộc phải ghép thành 2 lớp để các em học tại đây.

Trong khi đó tại huyện Đông Giang, ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT cho biết, do khoảng cách các thôn 4 - 5km và số lượng HS ít nên có những điểm trường phải chấp nhận không theo quy định.

Nhiều năm  gắn bó với giáo dục miền núi, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT lý giải, địa bàn rộng, giao thông cách trở, mỗi nóc chỉ có vài HS cùng độ tuổi. Sắp xếp lớp riêng thì không được, đưa các em về điểm trường chính cũng không xong, buộc phải ghép chung nhiều độ tuổi khác nhau thành một lớp. Vẫn biết điểm trường lẻ, lớp ghép chất lượng không cao, lại còn vất vả đối với GV. Dù vậy, phải chấp nhận chứ không thể xóa lớp ghép được.

“Tuy nhiên, cần có quy định sĩ số HS/lớp tối thiểu cho từng vùng miền để các địa phương thực hiện (Bộ GD-ĐT chỉ quy định tối đa) và xem đây là một trong những giải pháp giảm lớp, giảm GV” - ông Thành đề xuất.

Ảnh hưởng đến trường chuẩn?

Theo đề án của tỉnh, không bố trí tối đa vị trí việc làm theo định mức quy định tại Thông tư 06 liên Bộ GD-ĐT - Nội vụ và Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, trừ những trường học có số lớp khá lớn, còn lại các trường mầm non, tiểu học, THCS đều giảm chỉ còn 1 phó hiệu trưởng. Tỷ lệ GV/lớp, số lượng nhân viên/trường cũng được bố trí thấp hơn quy định. Nhiều ý kiến của các nhà quản lý cho rằng, có thể chấp nhận sĩ số HS/lớp thấp hơn so với quy định, song có những quy định nếu không tuân thủ sẽ rất khó.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên - Phùng Hoàng lý giải việc mình không đồng tình với phương án giảm cán bộ quản lý: “Những trường mầm non trên 9 lớp vẫn phải bố trí 2 phó hiệu trưởng vì công việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất nặng nề, nhất là trường bán trú. Hơn nữa, nếu không đủ 2 phó hiệu trưởng sẽ vướng quy định về trường chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT”.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho rằng, khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ quản lý trường mầm non rất nhiều nên cần giữ nguyên số lượng 2 phó hiệu trưởng như quy định. Bà Liên phân tích thêm, sở dĩ bậc học mầm non bố trí 2,2 GV/lớp chứ không phải 2 GV vì đội ngũ hầu hết là cô giáo trẻ nên nghỉ chế độ thai sản nhiều.

Còn Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ băn khoăn về vấn đề hiện nay nhiều vị trí việc làm như văn thư, thiết bị thư viện, y tế học đường ở các trường không có. Mà khi các vị trí việc làm này thiếu nhân sự sẽ không đảm bảo điều kiện xây dựng trường chuẩn quốc gia theo quy định.

Tác giả: XUÂN PHÚ

Nguồn tin: http://baoquangnam.vn/

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo mới

Tên Video
* Nam Trà My quê tôi

Liên kết web

ngân hàng đề kiểm tra

Bản quyền thuộc Trường PTDTBT THCS Trà Leng
Địa chỉ: Thôn 3 xã Trà Leng huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0987.334.083 - 0981.087.778
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)