Chi tiết tin

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành giáo dục

Người đăng: Trường Tiểu học Trà Leng Ngày đăng: 16:28 | 10/10 Lượt xem: 1596

Ngày 29/9/2016, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề với ngành giáo dục. Ông Phan Việt Cường – UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; ông Ngô Văn Minh –UVTT UBPL của Quốc hội; ông Phan Thái Bình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH và ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện KSND tỉnh cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó CT HĐND tỉnh, ông Trần Đình Tùng – PCT UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Long – Phó CT UBMTTQVN cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh. Về phía cử tri thuộc ngành giáo dục, ở Sở GDĐT có ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc, các ông bà trong Ban Giám đốc, Trưởng các phòng, ban của Sở và hơn 80 cử tri là các thầy cô giáo đại diện cho lãnh đạo các phòng GDĐT, các trường MN, TH, THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

quangcanh

Ông Phan Việt Cường, UVTW Đảng, PBT Thường trực TU, Trường Đoàn ĐBQH  phát biểu khai mạc HN

   Tại Hội nghị, Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GDĐT đã trình bày vắn tắt những kết quả nổi bật của Giáo dục Quảng Nam trong thời gian qua, định hướng phát triển giáo dục trong thời gian đến và những kiến nghị, đề xuất.

quoc copy copy copy

                 Ông Hà Thanh Quốc - GĐ Sở GDĐT báo cáo tại Hội nghị

    Trong những năm đến, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Sở GDĐT đã kiến nghị, đề xuất với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh một số nội dung, cụ thể như sau:

     a) Đầu tư nguồn lực để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Quan tâm từ khâu đầu vào đến chất lượng dạy học ở các trường sự phạm, sao cho, sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

      b) Việc đào tạo đại học, cao đẳng trong những năm qua chưa theo nhu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, điều này gây lãng phí rất lớn cho gia đình, Nhà nước và xã hội. Hơn nữa tình trạng người có học vị trong xã hội nhưng lại thất nghiệp nhiều dẫn đến sẽ làm giảm động lực học tập của sinh viên, học sinh hiện nay. Kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này.

       c) Quảng Nam là địa phương có 50% số huyện là miền núi, trong đó có đến 6 huyện miền núi cao, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội chậm phát triển, cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp học ở một số địa phương của Quảng Nam do xây dựng đã lâu, đến nay đã bị xuống cấp. Do vậy, kính đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, trong đó cần ưu tiên đầu tư thích đáng nguồn kinh phí này cho tỉnh Quảng Nam. (kế hoạch đến năm 2020 cần đầu tư: 3.641 phòng học, 807 nhà công vụ, 1.349 phòng bộ môn, 1.798 phòng hiệu bộ, 485 nhà đa năng, 327 phòng thư viện, 361 phòng y tế với tổng kinh phí 4.118 tỷ đồng). Việc đầu tư theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với khối trực thuộc Sở GD&ĐT cần 433 tỷ, trong đó các dự án khởi công xây dựng mới 221 tỷ. Trang bị bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng từ đúng chuẩn theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT, dự trù kinh phí 313 tỷ đồng.

        d) Việc thực hiện phân cấp quản lý giáo dục theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 có nhiều vướng mắc, khó khăn nhất định. Đề nghị các cấp có thẩm quyền tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị định này, để từ đó chỉ đạo việc phân cấp quản lý giáo dục thống nhất trên toàn quốc, tránh trường hợp mỗi địa phương phân cấp quản lý một kiểu, dẫn đến việc quản lý điều hành hoạt động của ngành giáo dục hiệu quả không cao.

        đ) Hiện nay, do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nên việc thực hiện phân luồng học sinh THCS rất khó thực hiện, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS (phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị ).

        e) Đề nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với cán bộ, công chức nguyên là giáo viên được điều động lên công tác ở các phòng giáo dục, sở giáo dục, nhằm huy động giáo viên giỏi tích cực phấn đấu để tham gia quản lý giáo dục. Đây là bất hợp lý đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

       Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo ở các đơn vị như: Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc, Bắc Trà My, Thăng Bình, Tiên Phước cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về cơ sở vật chất trang, thiết bị dạy học; về những bất cập trong chế độ chính sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thay mặt lãnh đạo ngành Giáo dục, ông Hà Thanh Quốc đã chia sẻ thông tin, trao đổi lại một số vấn đề trong phạm vị trách nhiệm quản lý của Sở mà cử tri quan tâm, phản ánh. Ông Trần Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phát biểu chỉ ra một số bất cập của ngành giáo dục cần kiến nghị đến Quốc hội và yêu cầu Sở Giáo dục trong thời gian đến phải mở những hội nghị chuyên đề để bàn và đề xuất những giải pháp để giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm như: vấn đề nhân sự, biên chế; vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, vấn đề phân cấp quản lý...

     Hội nghị lần này là dịp để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nghe phản ánh, kiến nghị những vấn đề về công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, những khó khăn vướng mắc về việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên lĩnh vực giáo dục. Để trên cơ sở đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổng hợp và phản ánh tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ./.

Tin và ảnh: Hồ Văn Hưng - VPS

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo mới

Tên Video
* Nam Trà My quê tôi

Liên kết web

ngân hàng đề kiểm tra

Bản quyền thuộc Trường PTDTBT THCS Trà Leng
Địa chỉ: Thôn 3 xã Trà Leng huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0987.334.083 - 0981.087.778
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)